Những trò lọc lừa Adolf_Hitler

Hitler sẵn sàng lừa dối để nhằm thi hành những điều chủ chốt trong tư tưởng của ông. Cũng nhờ những tố chất này, Hitler đã chinh phục được giới thương mại và công nghiệp trong nước. Riêng hai cường quốc Anh và Pháp, ban đầu muốn trấn áp Đức nhưng kế tiếp lại muốn xoa dịu Hitler, mở đường cho ông thôn tính ÁoTiệp Khắc. Đến khi Hitler hung hăng xâm lăng Ba Lan thì họ mới nhận ra tham vọng vô bờ bến của Hitler, nhưng đã quá muộn. Sau vụ ám sát hụt Hitler ngày 20 tháng 7 năm 1944, Tướng Tư lệnh Heinz Guderian nói về Hitler như sau: "Trong trường hợp của ông, tính cứng cỏi đã trở thành bạo tàn, trong khi xu hướng tháu cáy trở thành hoàn toàn bất lương. Ông thường nói dối mà không hề ngập ngừng và nghĩ rằng người khác cũng dối trá với ông."

Vụ hỏa hoạn ở Tòa nhà Nghị viện

Vào buổi tối 27 tháng 2 năm 1933, Tòa nhà Nghị viện bị cháy. Có đủ chứng cứ hợp lý cho thấy chính Quốc xã dưới sự chỉ đạo của Hermann Göring đã lên kế hoạch và tạo ra đám cháy nhằm phục vụ mưu đồ chính trị của họ. Một ngày sau vụ cháy, 28 tháng 2, Hitler yêu cầu Tổng thống ký nghị định "Cho việc Bảo vệ Nhân dân và Nhà nước" đình chỉ bảy đoạn trong hiến pháp đảm bảo quyền tự do cá nhân như là "biện pháp phòng vệ chống lại những hành động bạo lực của cộng sản phương hại đến đất nước". Nghị định còn cho phép chính phủ Đế quốc hành xử mọi quyền hạn của các bang khi cần thiết, và áp dụng hình phạt tử hình cho một số tội danh, kể cả tội "làm mất trật tự trị an một cách nghiêm trọng" do người có vũ trang. Thế là Hitler đã có thể bịt miệng đối thủ một cách hợp pháp và bắt giữ họ tùy ý, bằng cách mang hiểm họa của cộng sản ra hù dọa.

Ngày 23 tháng 3 năm 1933, Luật Trao quyền – có tên chính thức là "Luật Phòng chống Tai họa của Nhân dân và Đế chế" tước đoạt quyền lập pháp của Nghị viện kể cả việc phê chuẩn hiệp ước với nước ngoài và tu chính hiến pháp, và trao các quyền này cho nội các trong thời hạn bốn năm. Thêm nữa, Luật Trao quyền quy định Thủ tướng sẽ soạn thảo và ban hành luật mới "có thể khác biệt với hiến pháp". Thế là, nền dân chủ nghị viện rốt cuộc đã bị chôn vùi. Ngoại trừ những vụ bắt bớ đảng viên Cộng sản và vài đại biểu Dân chủ Xã hội, tiến trình diễn ra khá hợp pháp, dù là qua cách khủng bố. Kể từ ngày 23 tháng 3 năm 1933 trở đi, Hitler là nhà độc tài của đế chế, không còn bị nghị viện kiềm chế, và trên thực tế cũng không bị tổng thống kiềm chế.

Giải tán nghiệp đoàn

Để ru ngủ giới nghiệp đoàn trước khi ra tay, chính phủ Quốc xã tuyên bố Ngày Lao động năm 1933 là ngày lễ toàn quốc, được chính thức gọi là "Ngày Lao động Quốc gia", và chuẩn bị chương trình kỷ niệm như thể chưa từng được kỷ niệm trọng thể như thế. Giới lãnh đạo nghiệp đoàn lấy làm cảm kích và hồ hởi cộng tác với chính phủ và đảng nhằm cử hành ngày lễ được thành công. Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn khắp địa phương được đưa về Berlin, hàng ngàn băng-rôn được giăng ra tuyên dương tình đoàn kết giữa chế độ Quốc xã và công nhân.

Hitler đích thân tiếp đón các đoàn đại biểu công nhân, tuyên bố: "Các anh sẽ thấy câu nói cách mạng chống lại công nhân Đức là sai lầm và thiếu công tâm". Sau đấy, phát biểu trước 100.000 công nhân tụ tập ở sân bay, Hitler hô khẩu hiệu: "Tôn vinh lao động và tôn trọng công nhân!" và hứa rằng sẽ tiến hành kỷ niệm Ngày Lao động để tôn vinh lao động Đức "suốt nhiều thế kỷ".

Ngày 2 tháng 5 năm 1933, các trụ sở nghiệp đoàn trên khắp cả nước bị chiếm đóng, ngân quỹ nghiệp đoàn bị tịch thu, các nghiệp đoàn bị giải tán, và các nhà lãnh đạo bị bắt giữ. Nhiều người bị đánh đập và đưa vào trại tập trung.

Chỉ trong ba tuần, người ta thấy rõ thêm một lời hứa rỗng tuếch của Quốc xã. Hitler ban hành một luật mới chấm dứt việc thương thuyết tập thể, trên thực tế cấm công nhân đình công.

Cái chết của Hindenburg

Hitler và Tổng thống Hindenburg (tháng 2 năm 1934)

Ngày 2 tháng 8 năm 1934, Tổng thống Ludwig von Hindenburg qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Theo một luật mới do nội các ban hành ngày hôm trước, hai chức vụ Thủ tướng và Tổng thống được nhập lại làm một, và Adolf Hitler đã nhậm chức lãnh đạo đất nước kiêm Tư lệnh Tối cao Quân lực. Chức vụ Tổng thống bị bãi bỏ; Hitler chính thức là Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế. Quốc xã chính thức loan báo là không thể tìm ra bản di chúc hoặc tuyên cáo nào của Hindenburg, và có thể xem như không có. Một bản tuyên cáo chính trị của Hindenburg tỏ lộ ý muốn cuối cùng của ông là phục hồi vương triều sau khi ông qua đời, nhưng Hitler giấu đi đoạn này. Một bản văn thứ hai có nội dung đề xuất một người của vương triều Hohenzollern làm tổng thống, nhưng sau chiến tranh người ta không thể tìm lại bản văn này. Có lẽ Hitler đã nhanh chóng thiêu hủy nó. Ngày 19 tháng 8 năm 1934, khoảng 95% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý, và 90% chấp thuận cho Hitler chiếm mọi quyền lực. Chỉ có 4 triệu rưởi người Đức có can đảm – hoặc có ước nguyện – nói "Không".

Đến nay nhiều người vẫn còn khiếp sợ những tội ác của Hitler trong suốt thời gian ông ta cầm quyền. Nói đến Hitler, hẳn người ta thoạt tiên biết rằng ông ta là một nhà độc tài - nhà lãnh đạo tối cao nằm quyền lực tuyệt đối thống trị dân chúng của mình. Nhưng thực chất Hitler không phải là vị lãnh đạo đầu tiên như vậy. Ý tưởng về một "Nhà độc tài" xuất phát từ hàng ngàn năm trước ở La Mã cổ đại, khi danh tướng Julius Caesar tự tấn phong mình làm "Nhà Độc tài suốt đời". Sau khi Caesar bị ám sát vào năm 44 trước Công Nguyên thì người La Mã xóa bỏ chức vị này và không dùng đến nó nữa. Song, trải qua mấy thế kỷ trước, các ông hoàng bà chúa cũng nắm đại quyền cai trị đất nước, điển hình như Sa hoàng Pyotr Đại đế của Nga và Quốc vương Louis XIV của Pháp. Vào thế kỷ XX cũng có những nhà độc tài như Mussolini ở Ý - với hoài bão tái lập Đế quốc La Mã xưa - và Stalin ở Liên Xô - với tham vọng gầy dựng một xã hội Cộng sản lớn nhằm đặt tiền đề cho một cuộc Cách mạng trên thế giới. Nhưng nhà độc tài nguy hiểm nhất vẫn là Adolf Hitler.[77]

Lừa dối Đồng minh

Khi Hitler lên nắm chính quyền, một trong những việc đầu tiên của ông là gây rối các đối thủ của Đức ở châu Âu bằng cách kêu gọi giải trừ quân bị, hô hào hòa bình, và để mắt phát hiện điểm yếu của họ. Ngày 17 tháng 5 năm 1933, Hitler đọc bài "Diễn văn Hòa bình" trước Nghị viện. Đây là một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Hitler, một kiệt tác trong nghệ thuật tuyên truyền lừa dối đã khiến người Đức cảm động một cách sâu sắc. Bài diễn văn cũng khiến cho dân Đức đoàn kết sau lưng Hitler và tạo ấn tượng tốt cho thế giới bên ngoài. Hitler tuyên bố:

Nước Đức hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ mọi vũ khí tấn công nếu các quốc gia đã vũ trang cũng sẽ phá hủy vũ khí tấn công của họ... Nước Đức cũng rất sẵn sàng giải tán cả quân đội và phá hủy số vũ khí ít ỏi còn lại, nếu các nước láng giềng cũng làm thế... Nước Đức sẵn sàng ký kết bất kỳ hiệp ước bất tương xâm nào, bởi vì Đức không nghĩ đến việc tấn công mà chỉ nghĩ đến tìm kiếm an ninh.
— Adolf Hitler

Còn có nhiều điều khác trong bài diễn văn, với ngôn từ có chừng mực và thể hiện lòng khao khát hòa bình. Đức không muốn chiến tranh. Chiến tranh là "sự điên rồ vô bờ bến". Chiến tranh sẽ "làm sụp đổ trật tự xã hội và chính trị hiện giờ". Đức Quốc xã không muốn "Đức hóa" những dân tộc khác.

Người Pháp, người Ba Lan và những dân tộc khác là láng giềng của chúng tôi, và chúng tôi biết không biến cố nào có thể thay đối thực tế này.
— Hitler

Có một lời cảnh cáo. Đức đòi hỏi được đối xử bình đẳng với mọi quốc gia khác, đặc biệt là về giải trừ quân bị. Nếu điều này không đạt được, Đức sẽ rút ra khỏi Hội nghị Giải trừ quân bị và Hội Quốc liên.

Lời cảnh cáo chìm trong quên lãng giữa nỗi vui mừng khắp thế giới phương Tây đối với thái độ biết điều bất ngờ của Hitler. Báo chí Anh đăng tải những bài bình luận có thiện cảm với ý tưởng của Hitler. Lời lẽ của nhà độc tài thích bạo động của Quốc xã không phải là đe dọa dữ dằn như người ta e ngại lúc đầu, mà là ngọt ngào và dịu dàng.

Nhưng lời cảnh cáo của Hitler không phải là rỗng tuếch, mà ông làm đúng như những gì đã nói. Khi thấy rõ rằng Đồng Minh cứ khăng khăng về thời gian 8 năm để giải trừ quân bị xuống bằng với mức của Đức, ngày 14 tháng 10 năm 1933, thình lình Hitler loan báo rằng, vì không được các cường quốc ở Geneva đối xử bình đẳng, Đức lập tức rút lui khỏi Hội nghị Giải trừ quân bị và Hội Quốc liên.

Ngày 21 tháng 5 năm 1935, Hitler đọc một bài "Diễn văn Hòa bình" nữa ở Nghị viện – có lẽ là bài diễn văn hùng hồn nhất. Ông trấn an rằng tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình và cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho mọi bên.

Những cuộc đổ máu trên lục địa châu Âu trong ba trăm năm qua không cho thấy có sự thay đổi tương xứng. Chung cuộc Pháp vẫn là Pháp, Đức là Đức, Ba Lan là Ba Lan, Ý vẫn là Ý. Tính tự cao của vương triều, nỗi đam mê chính trị và sự mù quáng ái quốc chẳng đạt được gì nhiều qua những thay đổi chính trị sâu xa với máu chảy thành sông... Những tố chất cơ bản của họ vẫn không đổi. Nếu các quốc gia này chỉ cần mang một phần hy sinh nhỏ nhoi để phục vụ mục đích khôn ngoan hơn, thì thành công sẽ to tát hơn và trường cửu hơn.
— Hitler

Hitler tuyên bố là Đế chế Đức không hề có ý nghĩ nào về việc thôn tính những dân tộc khác.

Nước Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa mong mỏi hòa bình... cũng vì nhận thức được sự kiện nguyên thủy đơn giản nhất là không có cuộc chiến tranh nào có thể thay đổi khổ đau ở châu Âu... Hậu quả chủ yếu của mỗi cuộc chiến tranh là hủy hoại tinh hoa của đất nước.... Nước Đức cần hòa bình và đòi hỏi hòa bình!
— Hitler

Hitler luôn nhấn mạnh điểm này. Cuối cùng, ông đưa ra 13 đề xuất cụ thể nhằm duy trì hòa bình, tạo ấn tượng sâu đậm đối với nước Đức và cả châu Âu. Ông rào đón với lời nhắc nhở:

Nước Đức đã long trọng nhìn nhận và đảm bảo với Pháp đường biên giới... Bỏ qua quá khứ, Đức đã ký kết hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan... Chúng tôi sẽ tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này... Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc to tát và có lòng ái quốc cao độ.
— Hitler


Đức không có ý định và cũng không mong muốn can thiệp vào nội bộ của Áo, sáp nhập Áo vào Đức, hoặc thống nhất Áo và Đức...
— Hitler

Nhật báo có tầm ảnh hưởng rộng nhất nước Anh, tờ Times, hoan nghênh đến mức gần như cuồng nhiệt: "Bài diễn văn hóa ra đúng lý, thẳng thắn và toàn vẹn. Những ai với óc công tâm đều tin rằng chính sách do ông Hitler đưa ra có thể tạo nên một tiền đề tốt để đạt thỏa thuận trọn vẹn với Đức – một nước Đức tự do, bình đẳng và mạnh mẽ thay vì một nước Đức kiệt quệ bị áp đặt hòa bình mười sáu năm trước... Hy vọng rằng bài diễn văn sẽ được mọi phía chấp nhận là lời phát biểu chân thành và có suy xét, thể hiện chính xác những gì đã trình bày."[cần dẫn nguồn] Tờ báo nổi danh này, một trong những vinh quang chính trong ngành báo chí ở Anh, lại đóng vai trò giống như chính phủ Neville Chamberlain trong việc xoa dịu Hitler.

Chỉ trong vòng vài năm sau, những cam kết của Hitler trở nên vô nghĩa: Đức sáp nhập Áo vào Đức, xâm lăng Ba Lan, tấn công Pháp cùng một số nước Tây Âu.

Lừa dối Ba Lan

Ba Lan là quốc gia mà người Đức có ác cảm nặng nề nhất. Trong tâm tưởng của người Đức, lỗi lầm gớm ghiếc nhất của Hòa ước Versailles là tách Đông Phổ khỏi phần còn lại của lãnh thổ Đức để sáp nhập vào Ba Lan, tạo nên Hành lang Ba Lan.

Hitler thấy rằng trước khi tiêu diệt Ba Lan, cần tách nước này ra khỏi mối liên kết với Pháp. Sách lược ông đang theo đuổi có nhiều lợi điểm nhất thời. Bằng cách từ bỏ sử dụng vũ lực, ông có thể củng cố làn sóng truyên truyền cho hòa bình và xóa đi nỗi nghi ngại ở cả hai vùng Tây Âu và Đông Âu. Bằng cách mời Ba Lan đàm phán trực tiếp, ông có thể né tránh Hội Quốc liên và làm suy yếu chức năng của tổ chức này. Và ông tấn công vào ý niệm của Hội Quốc liên về "an ninh tập thể", đồng thời lũng đoạn những mối liên minh của Pháp với Đông Âu, trong đó Ba Lan là pháo đài vững chắc. Người dân Đức vốn thù ghét Ba Lan có thể không hiểu được, nhưng đối với Hitler một trong những lợi điểm của chế độ độc tài là có thể tạm thời theo đuổi chính sách mất lòng dân để đạt mục đích trong lâu dài.

Ngày 26 tháng 1 năm 1934, hiệp ước bất tương xâm giữa Đức và Ba Lan có hiệu lực trong 10 năm được ký kết. Từ ngày này, Ba Lan dần dần rời xa khỏi Pháp, nước bảo vệ Ba Lan từ khi Ba Lan ra đời năm 1919, và trở nên thân cận hơn với Đức Quốc xã. Đấy là con đường dẫn đến sự sụp đổ của Ba Lan trước khi hiệp ước bất tương xâm hết hạn.

Hitler thôn tính Tiệp Khắc

Nhằm chuẩn bị thôn tính Tiệp Khắc, Hitler kết hợp những yếu tố lừa dối, khủng bố tinh thần, chớp thời cơ và đánh nước cờ liều. Hitler viện cớ người Đức thiểu số Sudeten ở Tiệp Khắc bị áp bức để quấy động, khuynh đảo, tung hỏa mù và gây hiểu lầm giữa những sắc dân ở nước này, và che giấu mục đích thực sự của ông: để hạ gục Tiệp Khắc và chiếm lấy lãnh thổ cùng dân cư cho Đế chế thứ Ba. Hitler phổ biến ý định này ngày 5 tháng 11 năm 1937 cho giới chỉ huy quân đội và ngoại giao cao cấp.

Vì muốn xoa dịu Hitler, Thủ tướng Anh Arthur Neville Chamberlain đi đến hội kiến với Hitler tại Berchtesgaden ngày 15 tháng 9 năm 1938. Vị khách đã 69 tuổi và chưa từng đi máy bay lại có cuộc hành trình dài 7 tiếng đồng hồ (kể cả chặng tàu lửa mất 3 tiếng) để đến địa điểm hội kiến ở phần xa nhất của nước Đức. Hitler đã không tạo thuận lợi để đề nghị nơi gặp gỡ bên sông Rhein, vốn có thể giảm đường bay còn một nửa. Đấy là chủ định khủng bố thể chất đầu tiên.

Kế tiếp là những màn hù dọa của Hitler, trong Đức không đủ mạnh để tham chiến chống lại Tiệp Khắc và Anh-Pháp, chưa kể đến Liên Xô. Nếu Đức gây hấn, Đức sẽ chiến bại một cách nhanh chóng và dễ dàng, và đây sẽ là dấu chấm hết cho Hitler và Đế chế thứ Ba. Nếu vào giờ chót chiến tranh toàn châu Âu không thể tránh khỏi, Quân đội Đức hẳn đã lật đổ Hitler ngay sau khi ông ra lệnh tấn công Tiệp Khắc.

Trò lừa dối chủ yếu là Hitler cam kết vấn đề Tiệp Khắc là yêu cầu cuối cùng của ông ở châu Âu về lãnh thổ. Vì thế, Chamberlain gây áp lực bắt Tiệp Khắc phải nhượng bộ. Kết quả là Hiệp ước München, theo đó Tiệp Khắc nhường cho Đức gần 30.000 kilômét vuông lãnh thổ. Trên lãnh thổ này là một hệ thống lô cốt mà từ trước đến giờ tạo nên tuyến phòng thủ vững chắc nhất châu Âu, có lẽ chỉ kém Phòng tuyến Maginot của Pháp. Cả hệ thống đường sắt, đường bộ, điện thoạiđiện tín của Tiệp Khắc đều bị xáo trộn. Theo số liệu của Đức, Tiệp Khắc mất trên dưới 80% than non, hóa chất, xi măng; trên dưới 70% than đá, sắt, thép, điện năng; và 40% gỗ. Một đất nước công nghiệp phồn thịnh trong phút chốc bị tan rã và phá sản.

Dù đã đạt thắng lợi lớn lao và làm nhục cả Tiệp Khắc lẫn các nước dân chủ phương Tây, Hitler vẫn thất vọng về kết quả của Hiệp ước München. Ông ta thán với tùy tùng khi trở về Berlin: "Cái ông ấy [chỉ Chamberlain] đã làm tôi mất cơ hội tiến vào Praha!" Đấy chính là điều Hitler mong muốn ngay từ đầu, như ông đã liên tục thổ lộ với tướng lĩnh từ lúc phát biểu với họ ngày 5 tháng 11 năm trước. Lúc ấy, ông đã giải thích rằng việc thôn tính Áo và Tiệp Khắc chỉ là bước đầu để mở rộng Lebenraum – "không gian sinh sống" – về miền Đông và tính sổ với Pháp bằng quân sự ở miền Tây. Như ông đã bảo Thủ tướng Hungary ngày 20 tháng 9, cách tốt nhất là "trừ khử Tiệp Khắc". Ông nói đấy là "giải pháp thỏa đáng duy nhất". Ông chỉ e ngại "nguy cơ" là người Tiệp sẽ nhận chịu mọi yêu sách của ông.

Kế tiếp, ông Chamberlain lại đến München và ép buộc người Tiệp nhận chịu mọi yêu sách của Đức và do đó đã tước đi cơ hội cho Hitler thôn tính bằng vũ lực. Đấy là tư tưởng xảo trá của Hitler. Sau này, ông thổ lộ với tướng lĩnh: "Rõ ràng là ngay từ đầu tôi không thể hài lòng với lãnh thổ Sudetenland. Đấy chỉ là giải pháp nửa vời."

Tổng thống Tiệp Khắc Emil Hácha đến hội kiến với Hitler, và cũng chịu một trận khủng bố tinh thần. Hitler tuyên bố:

Sáu giờ sáng ngày mai Quân đội Đức sẽ tiến vào Tiệp Khắc từ mọi ngả và Không quân Đức sẽ chiếm lấy các sân bay của Tiệp Khắc. Có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất là việc tiến quân của Đức có thể dẫn đến nổ súng. Trong trường hợp này, mọi kháng cự sẽ bị đập tan... Khả năng kia là việc tiến quân được thực hiện theo cách ôn hòa, trong trường hợp này sẽ dễ dàng cho Lãnh tụ chấp thuận Tiệp Khắc có đời sống cho riêng họ, được tự trị, và sẽ được hưởng phần nào quyền tự do cho quốc gia...Nếu phải chiến đấu... trong hai ngày Quân đội Tiệp Khắc sẽ tan tành. Dĩ nhiên là có vài người Đức cũng bị giết và điều này sẽ kéo theo lòng hận thù vốn sẽ ngăn chặn ông chấp thuận quyền tự trị...

Lúc Hitler tạm chia tay với khách, đồng hồ chỉ 2 giờ 15 khuya, nhưng Hermann GöringJoachim von Ribbentrop tiếp tục gây áp lực lên Tổng thống cùng Ngoại trưởng. Tổng thống Hácha ngã ra bất tỉnh, được cứu cho tỉnh lại rồi bị ép nói chuyện với chính phủ của ông ở Praha và khuyên nên nhượng bộ. Rồi ông loạng choạng trở lại gặp Hitler mà ký bản án tử hình cho Tiệp Khắc. Bây giờ là 4 giờ sáng kém 5 phút ngày 16 tháng 3 năm 1939.

Lúc 6 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1939, quân Đức tràn vào Tiệp Khắc. Họ không gặp sự kháng cự nào, và đến buổi tối Hitler có thể tiến bước như người chiến thắng vào thủ đô Praha. Trước khi rời Berlin, Hitler ra một tuyên cáo hùng hồn cho dân Đức, lặp lại lời dối trá về những hành động "quá trớn man dại" và "khủng bố" của người Tiệp mà ông bị bắt buộc phải ra tay chấm dứt, và tuyên bố một cách hãnh diện "Tiệp Khắc đã bị xóa sổ!"

Hitler thôn tính Slovakia

Với mục đích làm suy yếu Tiệp Khắc, Đức muốn tách Slovakia khỏi Tiệp Khắc. Để thực hiện việc này, Đức giúp Josef Tiso (nguyên Thủ tướng của Slovakia đã bị Tổng thống Hácha cách chức) thảo một bức điện tín mà ông này gửi cho Hitler để tuyên cáo nền độc lập của Slovakia và yêu cầu Hitler bảo vệ cho quốc gia mới này.

Ngày 16 tháng 3 năm 1939, thể theo lời "yêu cầu" của Tiso, Hitler đặt Slovakia dưới sự bảo vệ của Đức. Quân đội Đức nhanh chóng tiến vào Slovakia để thực hiện sự "bảo vệ". Đức và Slovakia ký kết "Hiệp ước Bảo vệ". Thủ tướng Anh Chamberlain dựa trên tuyên ngôn "độc lập" của Slovakia để viện cớ Anh không cần giữ lời cam kết. Thế là, chiến lược của Hitler đã có kết quả toàn hảo. Ông đã cho Chamberlain một con đường thoát và Chamberlain đã chọn con đường này.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Adolf_Hitler http://www.hrb.at/?path=languages/english/body.php //nla.gov.au/anbd.aut-an35198137 http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F048732.php http://www.britannica.com/EBchecked/topic/267992 http://ew.com/article/1993/06/11/how-hitler-lost-w... http://www.foxnews.com/story/2003/10/17/documents-... http://www.nytimes.com/2002/01/13/weekinreview/wor... http://www.questia.com/library/1G1-21238666/mein-d... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7...